Góc nhìn của Soros: vàng, ngoại tệ và Trung Quốc.
FEBRUARY 16, 2013 BY 31 COMMENTS
George Soros giảm đặt cược vào vàng
Vàng mất dần sức hấp dẫn với nhà đầu tư khi nhu cầu trú ẩn an toàn vào tài sản này giảm trước đà phục hồi của kinh tế Mỹ.
Hai tỷ phú đầu tư George Soros và Louis Moore Bacon giảm lượng nắm giữ vàng trong các quỹ tín thác (ETF) trong quý IV/2012 sau khi giá vàng giảm mạnh nhất hơn 8 năm.
Tính đến ngày 31/12/2012, công ty quản lý quỹ Soros giảm 55% đầu tư vào quỹ tín thác vàng SPDR so với 3 tháng trước đó. Trong khi đó, công ty quản lý quỹ Moore của Bacon bán toàn bộ cổ phần trong SPDR và giảm lượng nắm giữ vàng trong quỹ tín thác Sprott. Trong khi đó quỹ Paulson & Co., nhà đầu tư lớn nhất vào SPDR, vẫn giữ nguyên lượng vàng nắm giữ.
Trong quý IV/2012, giá vàng giảm 5,5%, giảm mạnh nhất kể từ quý II/2004. Lượng vàng trong các quỹ ETF cũng giảm 0,9% sau khi đạt kỷ lục hôm 20/12/2012.
Các quỹ phòng hộ giảm 56% đặt cược giá vàng sẽ tăng sau khi tỷ lệ đặt cược này lên cao nhất 13 tháng vào tháng 10/2012. Điều này do các nền kinh tế lớn từ Mỹ đến Trung Quốc đều có xu hướng phục hồi.
Giám đốc điều hành tại công ty quản lý quỹ Foxhall cho rằng, khi kinh tế có chiều hướng tốt lên, nhà đầu tư sẽ chuyển sang các tài sản đầu tư như chứng khoán.
Kỷ nguyên tăng giá của vàng có thể kết thúc
Nhu cầu vàng thế giới giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009 bởi các khách hàng châu Á giảm mua trang sức trong khi khách hàng phương Tây giảm đầu tư.
Đó là nội dung trong báo cáo được Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) chính thức công bố ngày 14/2. Nhiều ý kiến cho rằng, báo cáo này đồng nghĩa với khả năng đà tăng giá 12 năm liên tiếp của vàng có thể sẽ chấm dứt trong năm nay.
Theo WGC, tiêu thụ vàng dự đoán sẽ ổn định trong năm 2013 và khó có thể bứt phá mạnh. Năm ngoái, tiêu thụ vàng toàn cầu đã giảm 4% so với năm liền trước, đạt 4.405 tấn.
Trong đó, nhu cầu vàng trang sức giảm 3% xuống 1.908,1 tấn, với mức giảm mạnh nhất tại Ấn Độ – khách hàng tiêu thụ vàng lớn nhất – bởi đồng rupee yếu và giá vàng nội địa cao kỷ lục. Tại Trung Quốc, khách mua vàng nhiều thứ hai, cũng chứng kiến nhu cầu vàng trang sức giảm 1% trong năm ngoái xuống còn 510,6 tấn, lần giảm đầu tiên kể từ năm 2002.
Về nhu cầu vàng nói chung thì Trung Quốc năm 2012 hầu như không thay đổi nhưng ở Ấn Độ lại giảm 12%.
WGC dự báo năm 2013 nhu cầu vàng của Ấn Độ khoảng 865 – 965 tấn trong khi của Trung Quốc là 780 – 880 tấn.
Về sức mua của các ngân hàng trung ương, theo WGC, các ngân hàng trung ương đã mua tổng cộng 534,6 tấn vàng trong năm 2012 – cao nhất trong vòng 48 năm trở lại đây. WGC dự báo năm 2013, các ngân hàng tiếp tục mua bằng mức đã mua trong năm trước bởi các chính sách nới lỏng tài khóa ở các quốc gia phát triển làm giảm niềm tin vào giá trị của tiền tệ.
Nhu cầu vàng thỏi và đồng xu đầu tư tại châu Âu và Mỹ năm ngoái sụt giảm, trong đó ở Mỹ giảm tới hơn 30% còn châu Âu giảm 29%. Tổng nhu cầu đầu tư vàng thế giới qua vàng thỏi và đồng xu năm 2012 giảm 10% xuống 1.534,6 tấn.
Nhu cầu đầu tư vàng thông qua các quỹ đầu tư tín thác (ETF) trong khi đó tăng gấp rưỡi lên 279 tấn.
WGC cho rằng trong năm nay giá vàng sẽ dao động trong khoảng từ 1.625 – 1.695 USD/ounce và sẽ biến động trong biên độ hẹp. Từ đầu năm tới nay, giá vàng đã giảm 1,4% sau khi trải qua quý 4/2012 với quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2008.
Theo CafeF
George Soros lại thắng lớn từ đồng yên suy yếu
(CafeF) Kẻ đầu cơ tiền vĩ đại nhất thế kỷ 20 lại khiến người ta phải thán phục khi kiếm được 1 tỷ USD từ xu hướng lao dốc không phanh của đồng yên.
Hãng tin Bloomberg vừa trích dẫn nguồn tin thân cận với nhà đầu tư lừng danh George Soros cho rằng tỷ phú này đã kiếm được 1 tỷ USD kể từ tháng 11/2012 đến nay nhờ dự đoán đồng yên Nhật sẽ lao dốc.
Bắt đầu từ quý IV, đồng nội tệ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã sụt giảm tới 17% so với đồng USD, đánh dấu thời kỳ suy giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1985.
Đồng yên giảm điểm và TTCK Nhật Bản tăng điểm do Thủ tướng Shinzo Abe gây áp lực buộc NHTW Nhật Bản (BoJ) phải tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế. Thêm vào đó, Thống đốc BoJ là ông Masaaki Shirakawa cùng với 2 phó Thống đốc cũng vừa tuyên bố sẽ từ chức vào tháng tới, mở rộng cánh cửa cho phép ông Abe triển khai kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Cũng theo nguồn tin này, Scott Bessent – giám đốc tài chính của Soros Fund Management LLC – cũng đặt cược 10% danh mục đầu tư của quỹ vào xu hướng TTCK Nhật Bản sẽ tăng điểm.
Bessent làm việc với Soros kể từ năm 1992, khi Soros cùng với chiến lược gia của ông là Stan Druckenmiller kiếm được 10 tỷ USD nhờ dự đoán rằng NHTW Anh sẽ buộc phải phá giá đồng bảng Anh. Tại thời điểm đó, quỹ Quantum của Soros trị giá 3,3 tỷ USD.
Nổi danh sau khi kiếm được khoảng 1,1 tỷ USD trong phi vụ đầu cơ đồng bảng Anh năm 1992 và được mệnh danh là “kẻ phá hoại NHTW Anh”, George Soros được coi là nhà đầu tư tài chính vĩ đại nhất lịch sử, kẻ đầu cơ tiền vĩ đại nhất thế kỷ 20.
Đến mùa hè năm 1997, trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, Soros tiếp tục bị cáo buộc đã gây áp lực lên các đồng tiền để thu về hàng tỷ USD.
Kiếm được hàng tỷ USD từ những cuộc khủng hoảng tiền tệ của nhiều nước và thường gặt hái được thành công vang dội trong khi phần lớn các nhà đầu tư và cả các chính phủ lâm vào thế thất bại thảm hại, không ít người cho rằng Soros là 1 kẻ tội đồ thao túng toàn bộ thị trường tiền tệ thế giới nhằm trục lợi cho bản thân. Tuy nhiên, không thể phủ nhận thành công của ông được tạo nên từ chính kinh nghiệm dày dặn và 1 bộ óc nhanh nhạy sắc bén.
|
Thu Hương
Theo Bloomberg
============
“Nhà trí thức” mang tên George Soros
Cái ông giỏi nhất là hiểu được mình phải làm gì trong cái thế giới mà ông cho rằng không thể nào hiểu nổi.
George Soros coi Isaiah Berlin là người ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tư duy của ông, vì thế hãy nhìn người đàn ông này qua lăng kính của một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của triết gia Berlin: “Con nhím và Con cáo”(Ngạn ngữ phương Tây có câu: “Con cáo biết nhiều thứ, Con nhím chỉ biết một thứ quan trọng nhất”-ND).
Với công chúng, Soros là một con cáo thiên tài. Nhà quản lý quỹ đầu cơ George Soros thành công là nhờ khả năng chơi vô số canh bạc chỉ trong một ngày. Lúc làm từ thiện, chất “cáo” của Soros ẩn trong chiếc ô “Xã hội mở” và số tiền rải ra để “làm cách mạng” ở hàng chục quốc gia.
Nhưng về mặt tri thức, Soros lại là một con nhím “chỉ biết một thứ quan trọng nhất”. Hơn nửa thế kỷ nay, ông đã chiêm nghiệm, gọt dũa và truyền bá nhiều phiên bản của tư tưởng lớn này. Phiên bản mới nhất của ông là “tầm quan trọng của tri thức không hoàn hảo như là một động cơ hoặc một yếu tố quyết định lịch sử.”
Tư tưởng lớn
Trong nhiều năm qua, dù cho sức mạnh tài chính và công việc từ thiện của ông có được công chúng ngưỡng mộ, cứ mỗi lần ông diễn đạt thành văn cái “tư tưởng lớn” của mình là lại vấp phải chỉ trích. Nhưng với chính Soros, “tư tưởng lớn” này liên hệ chặt chẽ với hào quang của ông trước công chúng. Ông tin rằng chính nền tảng tri thức đã giúp ông thành công trên mọi lĩnh vực.
Và mừng cho ông, sau chừng ấy thời gian phấn đấu để được công chúng coi là một “trí thức”, sóng gió hiện nay với kinh tế thế giới cuối cùng cũng khiến chúng ta phải tiếp thu tư tưởng của Soros.
“Tình thế hiện nay là cơ hội để người ta hiểu” tri thức không hoàn hảo sẽ gây ra hậu quả xấu như thế nào. “Chúng ta đã có 25 năm thịnh vượng thi thoảng có bị ngắt quảng bởi khủng hoảng tài chính. Cứ mỗi lần như thế, chính phủ lại can thiệp bằng cách đẩy mạnh tín dụng và cho vay, cho đến khi mọi thứ trở nên không bền vững. Thế là vụ đổ vỡ năm 2008 xảy đến, hệ thống tài chính thực sự đã sụp đổ và phải “thở bằng máy”
Soros coi chu kỳ bùng nổ-suy thoái ấy là ví dụ thực tế cho lý thuyết của mình: “Tất cả là vì một niềm tin mù quáng rằng thị trường tài chính có xu hướng quay về mức cân bằng.”
Đương nhiên, “tư tưởng lớn” của Soros cũng có chút mâu thuẫn: Bản thân ông cũng tin tưởng tuyệt đối và đầy nhiệt thành rằng hiểu biết của chúng ta về thế giới là không đầy đủ. Ông chắc chắn vào việc không thể chắc chắn về điều gì!
Ngoài đời thực, Soros điều chỉnh tư tưởng của mình bằng cách không ngại ngần áp dụng lý thuyết “tri thức không hào hảo” cho chính bản thân mình. Các bạn làm ăn nói thiên tài đầu tư của ông không phải là năng lực tiên tri lúc nào cũng đúng. Đó là khả năng biết khi nào mình sai rồi cắt lỗ, và biết khi nào mình đúng rồi xuống tiền gấp đôi.
Soros đặc biệt ưa thích tìm ra lỗi sai của chính mình. “Năm 1997, tôi nghĩ chủ nghĩa tư bản toàn cầu là không bền vững,” ông nhớ lại. “Nhưng nó vẫn chạy tốt thêm được 11 năm!”
Soros cho rằng mình quen với những biến động chính là nhờ “tuổi thơ dữ dội” khi Phát xít Đức xâm lược Hungary năm ông 13 tuổi. Gia đình Soros sống sót và cậu bé George học được cách đối phó với những thay đổi mang tính cách mạng. “Tôi được cha dạy cho đấy, ông cũng từng là tù binh chiến tranh ở Nga thời Thế chiến thứ nhất. Gia đình tôi có cả một lịch sử nhiễu loạn. Điều đó cho tôi lợi thế khi giải quyết những tình huống chẳng liên quan gì tới cái sự “cân bằng” mà họ vẫn tụng niệm.”
Nền tảng của thành công
Hàng thập kỷ nay Soros vẫn bảo vệ tư tưởng của mình trước công chúng. Nhưng “tư tưởng của tôi bị mọi người quay lưng, họ coi đó chỉ là những lời khoa trương của một kẻ đầu cơ tốt số.” Khi khủng hoảng tài chính bùng nổ, người ta trân trọng Soros hơn với tư cách một nhà tư tưởng.
Đương nhiên, Soros không tự giam mình trong thế giới trừu tượng triết học. Có lẽ ông đã nổi tiếng là người có quan điểm chính trị tự do, và ông thích nhất là dấn thân vào các cuộc tranh luận về chính sách công trên toàn thế giới, đặc biệt là khi ông cho rằng ý niệm về tri thức không hoàn hảo của mình có thể áp dụng được hoặc các giá trị của một xã hội mở đang lâm nguy.
Gần đây ông bị chủ đề liên minh Châu Âu cuốn hút và người ta vẫn hay trích dẫn câu nói của ông, nước Đức “hoặc nên lãnh đạo [Châu Âu], hoặc cuốn gói [khỏi liên minh Châu Âu]”. Đó là cách ông tóm tắt ý kiến của mình rằng hoặc Đức phải gánh lấy trách niệm lãnh đạo EU bằng cách hỗ trợ tài chính cho các nước yếu hơn và duy trì mức lạm phát cần thiết cho nền kinh tế, hoặc nước này “cuốn gói” khỏi eurozone và để các nước còn lại thực hiện những điều trên. Cho đến nay, nước Đức vẫn chưa có động tĩnh gì, nhưng tư tưởng của Soros đã thu hút được sự chú ý của cả công chúng lẫn giới tinh hoa Châu Âu.
Ngay sau đó, giới truyền thông lại săn đón Soros sau những nhận xét của ông về Trung Quốc. Cả người Trung Quốc lẫn cộng đồng đầu tư toàn cầu đều đồng ý rằng thách thức lớn nhất cả về kinh tế lẫn chính trị của đất nước này là chuyển từ nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng nội địa. Nhưng Soros cho rằng bước chuyển này sẽ gian nan hơn so với dự kiến.
“Trung Quốc đã hưởng lợi quá nhiều từ toàn cầu hóa và họ đã phát huy hết khả năng của mô hình tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư,” ông nói.
“Tiêu dùng mới chiếm có 1/3 GDP và đang tiệm cận tới giới hạn của sự bền vững”, ông nói. “Vì thế họ phải thay đổi. Sẽ là hạ cánh cứng đấy. Để tăng tiêu dùng, phải tăng thu nhập hộ gia đình. Nhưng kinh tế tăng trưởng chậm lại nên thấp nghiệp tăng và mọi người đều lo ngại, thế là họ còn tiết kiệm nhiều hơn. Vì thế cả ba khu vực đều yếu đi: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng.”
Một trong những năng lực nổi trội nhất của Soros là nhanh chóng nhận ra ai sẽ hưởng lợi từ kịch bản này. Đó là lối tư duy rất đắc dụng với ông chủ một quỹ đầu cơ.
Soros phân tích tình hình tại Trung Quốc như sau: “Mánh duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định tuyệt vời nhất là định giá thấp đồng tiền, làm thế là tương đương với áp thuế lên người lao động Trung Quốc. Nhưng người ta không cảm thấy mình đang bị đánh thuế. Vì kinh tế tăng trưởng quá nhanh, nên dù người lao động có không được hưởng mấy thành quả, họ vẫn cứ hài lòng.”
Khi ấy, kẻ thắng cuộc là tầng lớp trên vì họ giàu lên rất nhanh khi kinh tế cất cánh. Tuy vậy, nếu kinh tế giảm tốc là động lực này mất ngay, “người ta sẽ không còn chấp nhận cái thực tế đó nữa.” Soros cho rằng kết quả tất yếu sẽ là xung đột và khủng hoảng.
Với Soros, công trình mà ông trân trọng nhất trong đời mình không phải là gia sản mà ông đã tích góp, cũng không phải sự ủng hộ nhiệt thành đối với xã hội mở, mà chính là đã nảy ra “tư tưởng ớn” kể trên.
“Cố gắng hiểu được phải làm gì khi sinh ra trong một thế giới là ta không tài nào đoán định được,“ ông nói, “là thứ khiến tôi thích thú mà cũng bận tâm nhất.”
Minh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét