Phụ lục Bài 6:
Các bạn lưu ý đây chỉ là các bài hướng dẫn cách làm thơ chứ không dạy làm thơ. Nếu làm thơ ai cũng dạy được thì tất cả các tiến sĩ văn,thạc sĩ văn,giảng viên văn và giáo viên văn đều đã trở thành nhà thơ hết! Các bạn cần phân biệt để tránh bị lầm lẫn:
1. Người biết làm thơ
2. Người làm thơ được
3. Tác giả thơ
4. Nhà thơ.
Từ xưng nhà thơ cũng vậy. Có loại "nhà thơ tự phong", "nhà thơ do bạn bè gọi", "nhà thơ của câu lạc bộ thơ", "nhà thơ do người ta lịch sự gọi"... Nói chung bây giờ ra đường ai cũng đều có thể tự xưng mình là "nhà thơ cả".
Nếu chú ý các bạn sẽ thấy nhiều nhà thơ thật sự họ gọi nhau rất cẩn trọng, có phân biệt hẳn hoi. "Bạn thơ" là người có nhiều sáng tác nhưng thơ chưa hay, "tác giả" là người có tác phẩm nổi tiếng nhưng thơ chưa đủ nhiều để trở thành nhà thơ. Còn "nhà thơ" không phải là từ do mình tự phong cho mình, "nhà thơ" phải là từ do các công văn của Hội nhà văn (gồm những người sáng tác văn học chuyên nghiệp) gọi khi gởi cho các hội viên, hoặc những người không vào Hội nhà văn nhưng vẫn xứng đáng là nhà thơ (ví dụ nhà văn Lý Lan, nhà thơ Thái Thanh Nguyên,...). Và ngoài đời nhiều nhà thơ thật sự vẫn có thói quen khiêm tốn tự gọi mình là tác giả, hoặc người sáng tác thơ.
Có một câu chuyện khá vui là khi dự đám cưới của một nhà thơ nữ, anh Văn do đến trễ nên khi đến ngồi vào một bàn gồm 10 người. Họ hỏi anh Văn, anh Văn bảo anh Văn là giáo viên dạy Vật Lý. Còn 9 người kia đều tự xưng là nhà thơ cả, nhưng anh Văn nhìn mãi chẳng thấy một ai quen, dù là chỉ gặp qua một lần! Còn 9 bút hiệu của họ anh Văn cũng chưa hề nghe hoặc được đọc bao giờ!
Muốn làm thơ hay các bạn phải tự học. Đã rất nhiều người hỏi anh Văn bí quyết để có thơ đăng báo.
Hỏi: mình thì chưa bao giờ có thơ được đăng báo dù đã gửi cho khá nhiều tờ báo, anh Thanh Trắc Nguyễn Văn có bí quyết nào không chỉ mình với (mình chỉ được đăng báo ở trường mà thôi)(Nguyệt Chi - Blogger My Opera)
Trả lời:
Tại sao bạn không hỏi phương pháp "học" mà chỉ lo hỏi bí quyết?
Thật ra không có bí quyết gì cả mà chỉ có phương pháp "học" mà thôi
1.Bạn hãy "học" thơ của những nhà thơ đã thành danh
2.Báo nào không đăng thơ của bạn,bạn hãy "học" những bài thơ đã được đăng trên báo đó để rút kinh nghiệm cho sáng tác của mình
3.Thường xuyên nghiền ngẫm những lời bình của những bài thơ hay
4.Đừng bao giờ nghe lời bạn bè "khen" thơ của bạn hay! Nếu thơ bạn được đăng báo cũng có nghĩa là thơ của bạn đã được những người biên tập có "chuyên môn về văn học" công nhận là hay rồi đó
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét